5 Bước Xây Dựng Giá Trị Cốt Lõi Của Doanh Nghiệp

16-11-2023 Chia sẻ

5 Bước Xây Dựng Giá Trị Cốt Lõi Của Doanh Nghiệp

Giá trị cốt lõi (core values) là những thứ mà một người hay một tổ chức luôn coi trọng và đặt lên hàng đầu. Nó là kim chỉ nam cho mọi hành vi trong tổ chức. Nó điều hướng tất cả mọi hoạt động trong doanh nghiệp và điều chỉnh hành vi của từng cá nhân trong doanh nghiệp đó.

Trong bất kỳ tổ chức nào, các giá trị cốt lõi luôn tồn tại, dù bạn có gọi tên nó ra hay không. Giá trị cốt lõi là điều mà mọi tổ chức cần phải làm rõ, gọi tên nó ra, giúp cho nó được thể hiện một cách rõ ràng trong tổ chức và điều chỉnh hành vi của mọi thành viên.

5 Bước xây dựng giá trị cốt lõi của doanh nghiệp

 

Vậy tại sao chúng ta phải gọi ra và xây dựng giá trị cốt lõi?

– Vì nó sẽ là chuẩn mực để điều chỉnh hành vi của mọi người

– Nó giúp bạn củng cố mọi quyết định trong doanh nghiệp

– Nó giúp tạo ra sự khác biệt của bạn so với những đối thủ khác

– Giúp thu hút đối tác, tài năng đến và ở lại với bạn.

Làm thế nào để xây dựng thành công giá trị cốt lõi?

Trong các chương trình dành cho các doanh nghiệp, chúng tôi thường đi theo các bước sau đây (và bạn cũng có thể áp dụng theo)

Bước 1: Tạo một nhóm từ 5 -12 người quản lý và có tầm ảnh hưởng đến những người xung quanh trong tổ chức của bạn. Họ nhất thiết phải CAM KẾT xây dựng và thực thi văn hoá của tổ chức.

Bước 2: Chia ra thành 2-3 nhóm nhỏ và brainstorming về những hành vi mà từng nhóm thấy trong phần lớn mọi người trong tổ chức, đặc biệt là những gì đã làm nên thành công của tổ chức trong quá khứ. Liệt kê ra khoảng 20-30 hành vi như vậy. Lưu ý là nên viết ra những hành vi mà bạn thấy hơn là những câu chung chung. Ví dụ, nói sự thật, thay vì trung thực. 

Bước 3: Liệt kê các hành vi mà bạn nhìn thấy ở bước trên dưới dạng các câu ngắn để ngay lập tức nó có thể điều chỉnh hành vi của mọi người. Kiểu như “Không ngừng học hỏi và hoàn thiện mình” – Zappos. Bạn cần viết sao cho nó đủ rõ để điều chỉnh hành vi của mọi người ngay lập tức khi họ đọc lên nhé.

Tham khảo về:10 giá trị cốt lõi mà Zappos luôn tuân thủ để xây dựng và duy trì “nền văn hóa Zappos”

Bước 4: Bắt đầu bài toán loại trừ. Hãy đảm bảo một giá trị khi được chọn nó phải thỏa các điều kiện:

  • Bạn sẵn sàng sa thải một nhân viên nếu họ không có được điều này
  • Tổ chức không bao giờ đánh đổi nó, bằng một khoản tiền lớn chẳng hạn. 
  • Nó đã tồn tại sẵn trong phần lớn mọi người trong tổ chức.

Ở bước này, những cụm nào giống nhau thì chỉ nên chọn 1 đại diện. 

Bước 5: Nhìn lại một lần nữa những gì đã được chọn và thử hình dung xem, nó có đúng là những gì đại diện cho con người của tổ chức bạn hay không. Nó có phải thực sự là DNA của công ty bạn không?

Ở bước này, nếu có thời gian, hãy nhắm mắt lại và đọc từng cụm từ lên, mỗi người trong tổ chức có cảm thấy hứng thú, cảm thấy có cảm xúc với mỗi giá trị được gọi lên hay không?

Tôi đã chứng kiến rất nhiều người khóc khi gọi lên được những giá trị cốt lõi của tổ chức mình, đặc biệt là khi chuyển giao thế hệ. Vì thế hệ đi trước họ sẽ cảm thấy an tâm hơn nhiều khi thế hệ kế thừa sẽ phát huy những gì làm nền tảng thành công trong quá khứ. 

Chúc bạn sẽ tìm được những giá trị cốt lõi thực sự của doanh nghiệp mình. Nếu cần sự hỗ trợ, hãy liên lạc với TCBD qua Hotline: 0868 77 39 39.

COACH Leo – Võ Thái Lâm

Có thể bạn quan tâm